Lucky Land – Giá đất tại Tp.HCM được dự báo sẽ tiếp tục “leo thang” trong năm 2019, bất chấp cơn sốt đất từng diễn ra liên tục trong nửa thập kỷ qua.
Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, Chuyên gia bất động sản cá nhân dự báo kịch bản giá đất Sài Gòn tăng cao có thể vẫn lặp lại trong năm Kỳ Hợi vì 4 nguyên nhân sau:
1.Tốc độ tăng dân số cơ học quá lớn
Trung bình mỗi năm Sài Gòn tăng hơn 300.000 người. Nguồn lực to lớn này đổ về Tp.HCM vì nhiều mục đích như: làm việc, học tập, đầu tư kinh doanh, sử dụng các dịch vụ hạ tầng xã hội chất lượng cao,… Điều này đã tạo một áp lực lớn về nhu cầu nhà ở cho người dân tại thành phố. Ước tính mỗi năm cần ít nhất 80.000-100.000 chỗ ở mới để đáp ứng nhu cầu. Thực trạng này khiến giá đất cứ gia tăng không ngừng và nếu không có sự điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước thì việc sở hữu một ngôi nhà riêng sẽ là giấc mơ xa vời với người dân bởi “tốc độ tăng lương không kịp với giá nhà”.
2.Không ngừng hoàn thiện hạ tầng giao thông
Thị trường bất động sản Sài Gòn liên tục đón những cú hích mới từ hạ tầng được cải thiện, sân bay mới, metro, các đại lộ đang được triển khai,… Hạ tầng chính là mắt xích quan trọng khiến giá đất dù đã tăng rất cao trong những năm qua vẫn không ngừng “leo thang”, khiến giới đầu tư tiếp tục kích giá đất tăng theo cú hích hạ tầng.
3.Nguồn cung bất động sản bất ngờ bị thắt chặt
Do sự thắt chặt về chính sách hạn chế cấp phép các dự án mới (chỉ ưu tiên triển khai các dự án dang dở) nên nguồn cung sản phẩm trên toàn thành phố từ quý III và IV/2018 bị thiếu hụt khiến các doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tìm về các tỉnh lân cận Tp.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai hay xa hơn là Vũng Tàu, Bình Thuận để tìm kiếm cơ hội mới.
Điều này đã làm cho những sản phẩm có pháp lý hoàn chỉnh trở thành một thị trường nóng và chiếm thế độc quyền. Trong vòng 12 tháng qua, ước tính trung bình phân khúc căn hộ tăng ít nhất 10%, đất nền tăng 15-20%, nhà phố tăng 12-15%.
4.Tâm lý cất tiền trong bất động sản gia tăng
Các yếu tố lạm phát, nhất là thói quen cất giữ tiền trong bất động sản chính là một trong những nguyên nhân của các đợt sốt đất từng diễn ra trong các năm vừa qua. Cuộc đua săn lùng thu mua đất để tích trữ tài sản là điều tất yếu khi đất đai được xem là hàng hóa nhu yếu phẩm và điều này càng kéo giá đất tăng vọt trong các năm gần đây, khó quay đầu về vùng giá cũ.
Mặt khác, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang giàu lên nhanh chóng cũng đã thổi bùng làn sóng tích trữ bất động sản trong người dân. Knight Frank cho biết, số lượng triệu phú với khối tài sản từ 1 triệu USD của Việt Nam được tổ chức này dự đoán tăng từ 14.300 năm 2016 lên 38.600 vào năm 2026. Điều này làm phát sinh nhu cầu lớn với bất động sản siêu sang, nằm ở các vị trí đắc địa vốn đã rất đắt đỏ nay sẽ ngày càng cao hơn kéo theo mặt bằng giá cả bất động sản gia tăng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, sự bất ổn của các kênh đầu tư khác cũng là những nguyên nhân khiến nhu cầu về bất động sản liền thổ tăng lên nhanh chóng dẫn đến giá cả thay đổi nhanh ngoài dự báo.
Mặc dù dự báo kịch bản giá đất tiếp tục leo thang trong năm Kỳ Hợi, nhưng ông Chánh cũng thừa nhận “bong bóng” bất động sản là một từ được nhắc đến thường xuyên hơn trong 2 năm gần đây. Điều này chứng tỏ thị trường đang ngày càng trở nên nhạy cảm với các biến động từ nhiều phía và càng khó phòng vệ rủi ro hơn so với trước đây. Tốc độ tăng giá đất hiện diễn ra thường xuyên, nhanh chóng và liên tục đang ẩn chứa rất nhiều mối lo cho toàn thị trường.
Theo nhận xét của ông Chánh, một nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà phát triển dự án như kế hoạch ban đầu nếu anh ta sang tay ngay lô đất vừa đầu tư và thu về lợi nhuận khủng. “Đây là hệ lụy khó lường của tình trạng giá đất nóng, sốt, tăng cao trong các năm qua nhưng chưa có phương án hiệu quả nào phanh đoàn tàu đang chạy”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Chánh cũng cho rằng, thị trường tăng nóng khiến nhiều người phải vay vốn ngân hàng đầu tư và các rủi ro domino chỉ là chuyện sớm muộn, sẽ tạo nên một hệ luỵ xấu cho cả nền kinh tế.