Lucky Land – Trường hợp
Năm 1991, bố mẹ tôi có mua một mảnh đất và nhờ ông nội đứng tên. Năm 2002, bố mẹ tôi ly hôn và phân chia tài sản, Tòa giải quyết cho ly hôn, mảnh đất và nhà về sau sẽ thuộc về tôi.
Năm 2006, bố tôi lấy vợ khác (dì) và có đăng ký kết hôn, năm 2008 ông nội tôi có chuyển quyền sử dụng đất sang cho bố tôi. Đến năm 2015 bố tôi bị bệnh mất, mẹ tôi không về chịu tang, dì bỏ đi từ khi bố tôi bị bệnh.
Cho tôi hỏi về quyền thừa kế thì mẹ tôi, dì, ông bà nội, ông bà ngoại tôi có được hưởng không? Tôi muốn chuyển quyền sử dụng đất sang tên tôi (tôi đã gọi cho mẹ, dì và cả hai đều nói không nhận phần từ thửa đất) thì thủ tục, chi phí, thời gian như thế nào?
Trường hợp giả sử một trong những ông bà của tôi mất thì phần thừa kế sẽ được giải quyết như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
Trả lời.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Nếu Bố bạn có di chúc để lại và di chúc đó hợp pháp thì những người có tên trong di chúc sẽ là người thừa kế nếu họ đủ điều kiện nhận di sản thừa kế và không từ chối nhận di sản đó.
Lưu ý, trong trường hợp nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên; con đã thành niên mà không có khả năng lao động nếu không có tên trong di chúc thì vẫn được hưởng một phần di sản tối thiếu bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp bố bạn không để lại di chúc thì thừa kế theo pháp luật, thứ tự được quy định như sau: (i) hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết; (ii) hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị em ruột của người chết, cháu ruột của người đã chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại… và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản.
(Luật sư Trần Thị Thanh Nga – Công ty luật TNHH Đất Luật)