Lucky Land – Trường hợp
Tôi mang quốc tịch Australia, đang làm việc tại Việt Nam nay muốn mua nhà để định cư. Xin hỏi thủ tục sở hữu nhà ở tại Việt Nam với người nước ngoài như thế nào?
Trả lời.
Theo Điều 159 Luật nhà ở năm 2014 quy định về đối tượng và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:
“1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
- c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
- a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”.
Nếu bạn thuộc một trong các đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định trên thì điều kiện để bạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam quy định theo Điều 160 Luật nhà ở năm 2014 như sau:
“1. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.”
Khi đáp ứng đủ điều kiện để được sở hữu nhà tại Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho bạn theo trình tự thủ tục được quy định tại Điều 8, Điều 11 và Điều 12 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên môi trường về hồ sơ địa chính. Theo đó, hồ sơ đăng kí quyền sở hữu đối với nhà ở đối với người nước ngoài được quy định như sau:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;
– Một trong các giấy tờ sau:
+ Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh thì phải có một trong những giấy tờ về dự án phát triển nhà ở để kinh doanh (quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư);
+ Trường hợp mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có giấy tờ về giao dịch đó theo quy định của pháp luật về nhà ở;
– Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có)
– Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật nhà ở năm 2014: hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai tại địa phương nơi có nhà ở. Cơ quan có thầm quyền sẽ giải quyết để cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho bạn.
(Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)