Thị trường BĐS cần có chính sách dài hơi hơn

Tuy thị trường bất động sản (BĐS) không phát triển quá “nóng” như dự báo, nhưng để đảm bảo tính bền vững, ổn định, thị trường cần một chính sách dài hơi hơn nữa từ phía Nhà nước.

Tại buổi gặp gỡ giữa cộng đồng bất động sản và báo chí mới đây, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đang phát triển một cách khá bền vững, nhưng để đảm bảo tính bền vững thì cần có một chính sách dài hơi hơn nữa.

Thị trường BĐS cần có chính sách dài hơi hơn

Hiệp hội Bất động sản cho hay, từ tháng 3/2016 đến nay, giao dịch trên thị trường đã tăng trưởng trở lại, cao hơn tháng 2/2016 khoảng 4%, song vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Trong những năm qua, BĐS đã trải qua nhiều thăng trầm. Bản chất của BĐS là có chu kỳ phát triển và chu kỳ tăng trưởng. Đây là loại hàng hóa đặc biệt, phải mất 5-10 năm mới có thể hoàn thành dự án. Tuy nhiên, nếu thị trường đang tăng trưởng mà gặp sự thay đổi về chính sách thì lập tức sẽ giảm xuống và phải mất thời gian để thị trường phục hồi.

BĐS là tài sản lớn, doanh nghiệp BĐS vốn có lớn đến đâu cũng là hữu hạn so với các dự án. Hơn nữa, việc một loạt chính sách thay đổi như gói 30.000 tỷ đồng, thông tư 36 đã tác động mạnh đến thị trường và tồn kho là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy, theo ông Điệp, thị trường BĐS nếu muốn phát triển bền vững, nhà nước cần có các chính sách vĩ mô dài hạn hơn, bắt đúng chu kỳ thị trường, làm sao giữa thị trường và chính sách đưa ra không bị “khập khiễng”.

Những chính sách cần ưu đãi hơn cho nhà đầu tư để tiếp cận nguồn tài chính tốt, giúp giải quyết hơn nhu cầu về nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.

Ông Điệp cho rằng, hiện nay đang có sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu nhà ở, nhất là tại các đô thị. Do đó, phải có chiến lược để người tiêu dùng tiếp cận dự án dễ dàng hơn, tốt hơn; đồng thời dự án phải đáp ứng các nhu cầu người mua theo như quảng cáo.

Theo đại diện hiệp hội, hầu hết các dự án đẹp, tọa lạc tại các đô thị với giá khoảng 50 triệu đồng/m2 hiện không còn hàng. Nhưng với các dự án thiếu hụt cơ sở hạ tầng, chạy theo bong bóng thị trường… thì vẫn còn tồn kho, chưa bán được. Điển hình như các dự án tại Nội Bài, Văn Phú, Hà Đông,… là những dự án chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu không tiến hành khơi thông thì sẽ chỉ như “những cô gái đẹp giữa cánh đồng”, chỉ có thể ngắm nhìn mà không có đường tiếp cận.

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)